Đăng lúc: . Đã xem 3452
- Người đăng bài viết: Đỗ Thị Thu Huyền Chuyên mục : Giáo dục
Ngày nay công việc không chỉ giới hạn trong khu vực sinh sống mà được trải ra trên toàn cầu nhờ mạng Internet. Bạn giỏi ngoại ngữ và vững tay nghề thì bạn có thể làm ở bất kỳ quốc gia nào trong khi bạn vẫn đang sống ở Việt Nam.
Kỹ năng cần có để trở thành nhân lực toàn cầu
Nghe thật tuyệt phải không. Nhưng ngược lại nếu bạn không có 2 thứ là ngoại ngữ và chuyên môn thì bạn vẫn có thể bị loại bỏ ở chính khu vực bạn sinh sống. Cơ hội về việc làm và lương bổng rất lớn nhưng vô cùng khốc liệt. Vậy để tham gia cuộc chơi cần những kỹ năng gì?
1. Ngoại ngữ
Ngoại ngữ là kỹ năng cần thiết nhất để bạn có thể kết nối với mọi người với đủ màu da, quốc tịch trong môi trường làm việc chuyên nghiệp. Hơn nữa, trong môi trường toàn cầu hóa ngày nay, ngoại ngữ giúp việc học tập, trau dồi kiến thức càng trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Đó là chiếc chìa khóa mở ra kho tàng tri thức vô tận từ nhiều nguồn khác nhau, dù là sách báo, audio, video hay tài liệu online ngoại văn. Đôi khi, một nhà quản lý năng động sẽ cảm thấy nắm trong tay một ngoại ngữ vẫn còn chưa đủ.
2. Nhạy bén về văn hóa
Mỗi nền văn hóa có quy chuẩn ứng xử và cách làm việc khác nhau, được thể hiện qua sự rõ ràng, chi li trong giao tiếp; chủ nghĩa cá nhân hay chủ nghĩa tập thể; đường hướng mục tiêu ngắn - dài hạn v.v... Một người quản lý, lãnh đạo lại càng phải nắm vững những điều trên, nếu không muốn trở nên lạc lõng, “lệch pha” trong chính môi trường quản lý của mình. Đối nội là vậy, còn với đối ngoại thì việc nắm vững văn hóa địa phương là điều không thể thiếu nếu bạn muốn chinh phục khách hàng.
3. Tư duy sáng tạo và khả năng thích ứng
Môi trường làm việc quốc tế luôn thay đổi, đôi khi các sự kiện khác nhau kết hợp gây ra tình trạng biến động hệ thống, vì vậy một nhà lãnh đạo chuyên nghiệp phải luôn sẵn sàng thích ứng với hoàn cảnh mới để có thể dẫn dắt nhân viên và đổi mới doanh nghiệp. Để làm được điều này, tư duy sáng tạo và ý thức tự học không ngừng là vô cùng cần thiết.
Nghiên cứu cho thấy có ít nhất 7 kiểu hình tư duy sáng tạo: chẩn đoán, chiến lược, nhìn xa trông trộng, tư duy tạo ý tưởng, đánh giá, tùy biến theo ngữ cảnh và tư duy chiến thuật. Hiểu được tầm quan trọng của tư duy sáng tạo, các nhà lãnh đạo sẽ có khả năng phát triển một tầm nhìn rõ ràng cho tương lai và xác định con đường tốt nhất, cũng như những lựa chọn để về đích thành công.
4. Mạng lưới chuyên nghiệp
Trong thời đại toàn cầu hóa, bạn càng thiết lập, củng cố và duy trì được nhiều mối quan hệ thì quá trình làm việc của bạn càng thuận lợi. Một hợp đồng mới được ký kết thành công hoàn toàn có thế đến từ người doanh nhân thành đạt mà bạn uống cafe cùng hôm nào. Nhân tài bạn tìm kiếm để cùng hợp tác có thể đến từ những mối quan hệ bạn vừa vô tình đầu tư trong các buổi giao lưu. Và nếu bạn là sếp, mạng lưới quan hệ trải rộng sẽ giúp bạn có lợi thế trong việc quyết định nhân sự đúng người - đúng việc - đúng thời điểm. Mạng lưới chuyên nghiệp (networking) không bao giờ là thừa.
5. Làm chủ công nghệ và làm việc online
Trong môi trường quốc tế, làm việc và trao đổi qua các công cụ trực tuyến đã trở nên phổ biến. Khoảng cách địa lý đã không còn nhiều ý nghĩa, khi mà từ Mỹ người ta vẫn có thể “họp online” với đồng nghiệp tại Việt Nam chỉ trong vài giây, bằng vài cú click chuột. Những công đoạn trước kia tốn hàng giờ thì giờ đây hoàn thành trong vài phút. Có thể nói công nghệ và sự bùng nổ của kỷ nguyên số đã thay đổi hoàn toàn cách những trí thức trẻ học và làm việc. Nếu không muốn bị tụt hậu và bị bỏ lại phía sau trong chặng đường sự nghiệp, bạn cần liên tục cập nhật để nắm vững, làm chủ công nghệ và văn hóa làm việc online.
6. Khả năng lãnh đạo
Một nhà lãnh đạo thành công cần có tầm nhìn, tham vọng, quyết đoán, gương mẫu, chính trực và tự tin. Cách suy nghĩ “tôi có thể” sẽ giúp bạn dẫn đầu và truyền cảm hứng cho đồng nghiệp. Để tạo cơ sở cho sự tự tin đó, bạn cần chuẩn bị và nghiên cứu trước khi bắt tay vào làm bất cứ việc gì. Ví dụ, trước khi trình bày một kế hoạch kinh doanh mới để được duyệt, hãy tính sẵn những câu hỏi phản biện, những rủi ro tiềm ẩn, những kẽ hở trong phương án thực hiện và cả những kế hoạch dự phòng.
Ý kiến bạn đọc