Rss Feed
Lớp học nhóm tại nhà

Những hóa chất có sức tàn phá khủng khiếp

Đăng lúc: . Đã xem 5622 - Người đăng bài viết: Đỗ Thị Thu Huyền
Chuyên mục : Hóa đời sống
Nhờ có hóa học, con người đã phát minh được rất nhiều chất mới phục vụ cho nhu cầu trong cuộc sống. Rất nhiều chất trong số đó khá an toàn và được ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống trong khi đó có một số chất có sức tàn phá rất khủng khiếp
Những hóa chất có sức tàn phá khủng khiếp

Những hóa chất có sức tàn phá khủng khiếp

1. Hóa chất N –Ngọn lửa đến từ "địa ngục"

Truyền thuyết kể rằng: Phát xít Đức từng sản xuất một chất hóa học cực kỳ kinh khủng có mật danh N trong Thế chiến II. Chất N có đặc tính sôi lên khi tiếp xúc không khí, phát nổ khi chạm nước, gây chết người nếu hít phải, phân hủy tạo ra acid độc hại. Đặc biệt, khi nạp vào súng phun lửa và khai hoả, N có thể tạo ra ngọn lửa với nhiệt độ tới hơn 2.400 độ C.

Quân Phát xít muốn dùng chất N để biến các boong-ke quân Đồng Minh thành "cháo" theo đúng nghĩa đen. Tuy nhiên, sau thời gian nghiên cứu, chính các binh lính Đức cũng không dám sử dụng vì độ nguy hiểm quá cao của chất N. Do vậy, cuối cùng nghiên cứu bị chấm dứt.
hoa-chat-doc-hai
Truyền thuyết kể lại thì là như vậy. Tuy nhiên trên thực tế, đây là một câu chuyện có thật, và chất N là chlorine trifluoride (ClF3), tác nhân florua hóa mạnh nhất mà con người từng biết tới.

Do có tính oxy hóa vượt trội so với oxy nên ClF3 có thể đốt cháy những vật liệu mà bình thường không thể cháy như gạch, a-mi-ăng... Và cũng chính nhờ khả năng cháy siêu bá đạo, chlorine trifluoride từng được các nhà khoa học Mỹ dự định dùng để tạo lực đẩy tên lửa, tuy nhiên họ đã sớm nhận ra sự may mắn của mình sau một sự cố vào năm 1950.

Thời điểm đó, các nhà khoa học Mỹ cố gắng vận chuyển chlorine trifluoride với số lượng lớn đã vô tình làm vỡ một bổn chứa bằng thép. Lập tức, hàng tấn ClF3 bùng cháy dữ dội. Ngọn lửa cực nóng không chỉ ăn sâu xuống lớp bê-tông dày 30cm của sàn mà còn tiếp tục xuyên qua 1m đất sỏi bên dưới. Không một cách nào có thể dập tắt đám cháy ngoại trừ việc để nó… tự cháy hết.
hoa-chat-doc-hai1
Nguy hiểm là vậy, nhưng hiện nay hóa chất này vẫn được sản xuất và sử dụng trong các công ty bán dẫn nhằm làm sạch một số thiết bị mà không cần phải tháo dỡ chúng ra.
hoa-chat-doc-hai2

2. Azidoazide azide (C2N14) – "Không chạm" cũng nổ

Azidoazide azide (C2N14) hay còn gọi AA, là hợp chất dễ nổ nhất từng được con người chế tạo. Nếu như gọi chất N nêu trên là chất siêu cháy thì AA xứng danh là chất siêu nổ.

Như chúng ta được học, một nguyên tử nitrogen có khuynh hướng bắt cặp với một nguyên tử nitrogen khác thông qua liên kết ba, và kiểu liên kết N≡N là một trong những liên kết mạnh nhất trên Trái đất, nên thông thường trong tự nhiên cặp nguyên tử nitrogen chỉ bị tách rời khi có sét đánh.

Nhưng chính độ bền này cũng cho thấy rằng nguồn năng lượng khi 2 nguyên tử Nitrogen gắn vào nhau sẽ rất lớn. Còn đối với AA, có tới 14 nguyên tử nitrogen nhưng không có nguyên tử nào có liên kết ba, khiến phân tử ở trong trạng thái năng lượng cao và liên kết lỏng lẻo. Tính chất này dẫn đến AA có cả hai đặc điểm là: vô cùng dễ nổ và nổ mạnh.
hoa-chat-doc-hai3
AA dễ nổ đến mức độ nhạy nổ của chất này vượt quá khả năng đo lường của con người. Vào năm 2010, một nhóm các nhà hóa học Đức đã liệt kê các hành động có thể kích nổ AA, trong đó bao gồm các hành động hết sức nhỏ như... dịch chuyển, hoặc tác động từ ánh sáng, hoặc chẳng làm gì nó cũng nổ.

3. Dimethyl cadmium (C2H6Cd) – Hít vào là chết

Dimethyl cadmium (C2H6Cd) là một hợp chất thuộc nhóm hữu cơ kim loại. Chất này cũng có cả hai tính chất đáng sợ là cháy khó dập tắt và dễ nổ, nhưng sự đáng sợ của nó lại đến từ nồng độ độc chất nó đem lại. Chỉ vài phần triệu gram hơi dimethyl cadmium phân tán trong thể tích 1 mét khối vuông cũng đã đủ khiến một người vong mạng.
hoa-chat-doc-hai4
Độc tính của dimethyl cadmium gây ra cả ảnh hưởng cấp tính và mãn tính lên cơ thể người. Khi được hít vào, chất độc này nhanh chóng hấp thụ vào máu, từ đó lan rộng khắp cơ thể, gây tác động gần như tức thì lên các cơ quan như phổi, gan, thận.
hoa-chat-doc-hai5
Dimethyl cadmium nhanh chóng lan rộng theo dòng máu và phá hủy tế bào cơ thể

Thậm chí, ngay cả khi nạn nhân vẫn còn sống vài giờ sau khi hít phải khí này thì hậu quả sau đó cũng rất khủng khiếp. Chất độc này là tác nhân gây ung thư cực mạnh. Nghe đến đây chắc bạn cũng tưởng tượng được sức tàn phá của Dimethyl cadmium khủng cỡ nào.

Vậy nếu vô tình làm tràn dimethyl cadmium ra ngoài, làm cách nào để làm sạch – tốt nhất là bạn đừng bao giờ để điều đó xảy ra. Bởi việc dùng nước rửa, hay quét là không thể vì kích thích phản ứng cháy nổ. Thậm chí, chờ dimethyl cadmium phân hủy cũng không khả thi, do chất mới tạo ra còn dễ nổ hơn cả chất ban đầu.

4. Thioacetone (C3H6S) - Chất... thối nhất bạn có thể tưởng tượng được

Thioacetone (C3H6S) dường như là hóa chất dễ chịu nhất trong danh sách này, bởi nó không gây cháy, nổ, hay ung thư. Tuy nhiên, nếu có cơ hội được tiếp xúc với thioacetone, ngay lập tức bạn sẽ phải chạy xa hàng cây số. Bởi đây chính là chất đạt danh hiệu "Chất nặng mùi nhất thế giới".
hoa-chat-doc-hai7
So với thioacetone thì đôi giày bốc mùi của bạn vẫn còn "thơm chán"
 
Thioacetone cùng các hợp chất hữu cơ có gốc -thiol khác có một nguyên tử carbon liên kết với nhóm –SH, và hầu như chúng đều có mùi "khá kinh". Ví dụ như trong chất tiết của loài chồn hôi có chứa hai hợp chất thiol khác nhau, hoặc mùi hương của thịt thối cũng tương tự như vậy.

Nhưng sau tất cả, thioacetone mới thực sự đặc biệt, vì nó có một mùi siêu nặng, có thể khiến một người phải nhăn mặt trong bán kính nửa cây số.

Một trong những trường hợp thể hiện cho mùi hương "vô đối" của thioacetone là vào năm 1889, tại thành phố Freiburg của Đức. Một nhà máy sản xuất hóa chất và xà phòng đã thử nghiệm tri-thioacetone để dùng làm mùi hương. Tuy nhiên, khi họ phá vỡ phân tử chất này ra, các công nhân bắt đầu cảm thấy phát ốm, xảy ra hiện tượng nôn mửa không kiểm soát tại các nhà hàng xóm khu vực xung quanh, và sau đó toàn bộ thành phố di tản!

Ngửi phải mùi của thioacetone, con người có thể rơi vào tinh trạng nôn mửa không tự chủ

5. Fluoroantimonic acid (H2FSBF6) - "Bố" của acid

Xét về độ nguy hiểm, có lẽ fluoroantimonic acid (H2FSbF6) chính là loại acid nguy hiểm nhất từng được con người chế tạo.
Theo các quy tắc hóa học, fluoroantimonic acid có tính acid mạnh gấp... 10 triệu tỉ (10 mũ 16) lần so với sulfuric acid (H2SO4), loại acid được xem là mạnh nhất trong các acid thông thường.
hoa-chat-doc-hai6
Sulfuric acid đặc có tính phá hủy cực mạnh nhưng vẫn chưa thấm vào đâu so với siêu acid (trong ảnh: phản ứng của sulfuric acid đặc với đường)

Và sẽ rất đáng sợ nếu một người bị fluoroantimonic acid rơi vào người. Do nguyên tử flo trong fluoroantimonic acid có khuynh hướng thích liên kết với canxi nên sau khi đã phá hủy các mô trong da và cơ bắp thì fluoroantimonic acid sẽ tiếp tục đốt cháy xuyên qua xương.

Thậm chí, một số ý kiến còn cho rằng acid này có thể nấu chảy cả vàng - thứ được cho là chỉ có thể tan chảy trong "nước cường toan". Tuy nhiên, thông tin này chưa được xác thực.
Thứ duy nhất mà có thể dùng để lưu trữ fluoroantimonic acid là các thùng chứa bằng teflon, bởi polymer này được tạo nên từ các liên kết carbon-flo, vốn là liên kết đơn vô cơ mạnh nhất trong hóa học.

Nguồn tin: Trang hóa học ngày nay
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Được đánh giá 5/5

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới