Rss Feed
Lớp học nhóm tại nhà

Lý thuyết về Axit cacboxylic

Đăng lúc: . Đã xem 215403 - Người đăng bài viết: Phạm Hồng Gấm
Chuyên mục : Axit cacboxylic
Axit cacboxylic là hợp chất hữu cơ mà phân tử có nhóm COOH liên kết với gốc hiđrocacbon, với H hoặc với nhau
Lý thuyết về Axit cacboxylic

Lý thuyết về Axit cacboxylic

 I. ĐỊNH NGHĨA

- Các định nghĩa về axit cacboxylic:
     + Axit cacboxylic là hợp chất hữu cơ mà phân tử có nhóm - COOH liên kết với gốc hiđrocacbon, với H hoặc với nhau.

Axit cacboxylic

     + Axit cacboxylic là sản phẩm thu được khi thay nguyên tử H trong hiđrocacbon hoặc H2 bằng nhóm - COOH.
- Công thức tổng quát của axit:
     + CxHyOz (x, y, z là các số nguyên dương; y chẵn; z chẵn; 2 ≤ y ≤ 2x + 2 - 2z;): thường dùng khi viết phản ứng cháy.
     + CxHy(COOH)z hay R(COOH)z: thường dùng khi viết phản ứng xảy ra ở nhóm COOH.
     + CnH2n+2-2k-z(COOH)z (k = số liên kết p + số vòng): thường dùng khi viết phản ứng cộng H2, cộng Br2
- Một số loại axit hữu cơ thường gặp:
     + Axit no đơn chức: CnH2n+1COOH (n ≥ 0) hoặc CmH2mO2 (m ≥ 1).
     + Axit hữu cơ không no, mạch hở, đơn chức trong gốc hiđrocacbon có 1 liên kết đôi: CnH2n-1COOH (n ≥ 2) hoặc CmH2m-2O2 (m ≥ 3).
     + Axit hữu cơ no, 2 chức, mạch hở: CnH2n(COOH)2 (n ≥ 0).

II. DANH PHÁP

1. Tên thay thế

Tên thay thế = Tên hiđrocacbon tương ứng + oic

2. Tên thường của một số axit thường gặp

HCOOH                                    Axit fomic
CH3COOH                                Axit axetic 
CH3CH2COOH                         Axit propionic
CH3CH2CH2COOH                  Axit butiric
CH2=CH-COOH                        Axit acrylic
CH2=C(CH3)-COOH                 Axit metacrylic 
(COOH)2­                                          Axit oxalic
C6H5COOH                               Axit benzoic
HOOC(CH­2)4COOH                  Axit ađipic
C15H31COOH                           Axit pamitic 
C17H35COOH                           Axit stearic
C17H33COOH                           Axit oleic 
C17H31COOH                           Axit linoleic

III. TÍNH CHẤT VẬT LÍ

1. Nhiệt độ sôi

     Axit có nhiệt độ sôi cao hơn Ancol có khối lượng phân tử tương đương vì phân tử axit tạo được 2 liên kết H và liên kết H giữa các phân tử axit bền hơn liên kết H giữa các phân tử Ancol.

2. Tính tan

- Từ C1 đến C3 tan vô hạn trong nước do có khả năng tạo liên kết H liên phân tử với nước.
- C4 đến C5 ít tan trong nước; từ C6 trở lên không tan do gốc R cồng kềnh và có tính kị nước.

IV. TÍNH CHẤT HOÁ HỌC

1. Tính axit

a. So sánh tính axit giữa các phân tử axit
- Phân tử axit có nhóm cacbonyl C = O là nhóm hút e mạnh nên làm giảm mật độ e tự do trên nguyên tử O làm cho liên kết O - H bị phân cực hơn → dễ bị phân li thành H+ thể hiện tính axit.

RCOOH ↔ RCOO- + H+
                (RCOOH + H2O ↔ RCOO- + H3O+)

- Độ mạnh của axit phụ thuộc vào độ linh động của nguyên tử H và độ tan của axit trong dung môi nước.
- Nếu nhóm COOH gắn với nhóm đẩy e (gốc hiđrocacbon no) thì tính axit yếu hơn so với HCOOH. Gốc ankyl càng có nhiều nguyên tử H thì đẩy e càng mạnh làm cho tính axit càng giảm.
- Nếu nhóm COOH gắn với nhóm hút e (gốc hiđrocacbon không no, gốc có chứa nhóm NO2, halogen, OH…) thì tính axit mạnh hơn so với HCOOH. Càng nhiều gốc hút e thì tính axit càng mạnh. Gốc hút e càng mạnh thì tính axit càng mạnh, nhóm hút e nằm càng gần nhóm COOH thì làm cho tính axit của axit càng mạnh.
b. Các phản ứng thể hiện tính axit
- Axit làm quỳ tím chuyển thành màu hồng.
- Tác dụng với bazơ → muối + H2O

R(COOH)x + xNaOH → R(COONa)x + xH2O        

- Tác dụng với oxit bazơ → muối + H2O

2R(COOH)x + xNa2O → 2R(COONa)x + xH2O

- Tác dụng với kim loại đứng trước H → muối + H­2

2R(COOH)x + xMg → [2R(COO)x]Mgx + xH2

→ Phản ứng này có thể dùng để nhận biết axit.
- Tác dụng với muối của axit yếu hơn (muối cacbonat, phenolat, ancolat) → muối mới + axit mới.

R(COOH)x + xNaHCO3 → R(COONa)x + xH2O + xCO2

→ Thường dùng muối cacbonat hoặc hiđrocacbonat để nhận biết các axit.

2. Phản ứng este hóa

R(COOH)x + R’(OH)t → Ry(COO)xyR’x + xyH2O (H2SO4, t0)

3. Phản ứng tách nước

2RCOOH → (RCO)2O + H2O (P2O5)

4. Phản ứng oxi hóa hoàn toàn

CxHyOz + (x + y/4 - z/2)O2 → xCO2 + y/2H2O
Nếu đốt cháy axit thu được nCO2 = nH2O thì axit thuộc loại no, đơn chức, mạch hở:
CnH2n+1COOH → (n + 1)CO2 + (n + 1)H2O
Chú ý:
- HCOOH có phản ứng tương tự như anđehit:

HCOOH + 2AgNO3 + 4NH3 + H2O → 2NH4NO3 + (NH4)2CO3 + 2Ag

- Các axit không no còn có các tính chất của hiđrocacbon tương ứng:

CH2=CH-COOH + Br2 dung dịch → CH2Br-CHBr-COOH
3CH2=CH-COOH + 2KMnO4 + 4H2O → 3CH2OH-CHOH-COOH + 2MnO2 + 2KOH

Sản phẩm cộng của CH= CH - COOH với HX trái với Maccopnhicop
- Axit thơm có phản ứng thế vào vị trí meta.
- Axit no có phản ứng thế vào vị trí α.

V. ĐIỀU CHẾ

1. Oxi hóa anđehit

R(CHO)x + x/2O2 → R(COOH)x (xúc tác Mn2+, t0)

2. Thủy phân este trong môi trường axit

Ry(COO)xyR’x + xyH2O ↔ yR(COOH)x + xR’(OH)y

3. Thủy phân dẫn xuất 1,1,1 - trihalogen

RCCl3 + 3NaOH → RCOOH + 3NaCl + H2O (H2O)

4. Riêng CH3COOH

n-C4H10 + 5/2O2 → 2CH3COOH + H2O (xúc tác Mn2+, t0)
C2H5OH + O2 → CH3COOH + H2O (men giấm)

5. Một số phản ứng khác

C6H5-CH3 → C6H5COOK → C6H5COOH
R-X → R-CN → R-COOH
CH3OH + CO → CH3COOH

VI. NHẬN BIẾT

- Làm quỳ tím chuyển thành màu đỏ; tác dụng với kim loại giải phóng H2; tác dụng với muối cacbonat hoặc hiđrocacbonat giải phóng khí CO­2­.
- Axit không no làm mất màu dung dịch Br2, dung dịch thuốc tím.
- HCOOH có phản ứng tương tự andehit: tạo được kết tủa trắng với AgNO3/NH3

Bài viết liên quan: 


Nguồn tin: Trang Hochoaonline
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 164 trong 36 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Được đánh giá 4.6/5

Ý kiến bạn đọc

Avata of Lan Anh
- Đăng lúc:
Hay lắm thầy ạ

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới