Trong báo cáo gửi đại biểu Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2016, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định đổi mới thi và tuyển sinh không thể thực hiện ngay một lần và trong một năm mà phải có các bước đi phù hợp để học sinh và giáo viên kịp thay đổi cách học, cách dạy, tránh gây hoang mang.
Từ quan điểm này, phương án thi THPT quốc gia năm 2017 sẽ được tiếp tục áp dụng trong các năm 2018, 2019 với những điều chỉnh hợp lý trên cơ sở rút kinh nghiệm tổ chức thi và tuyển sinh từng năm, đồng bộ với quá trình đổi mới dạy học, kiểm tra đánh giá trong trường phổ thông. Từ năm 2020 trở đi, phương án thi được tổ chức ổn định, đảm bảo sự tương thích với định hướng đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.
Cụ thể, năm 2017 Bộ tiếp tục tổ chức kỳ thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng. Kỳ thi được tổ chức ở tất cả tỉnh thành, do Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, các trường đại học, cao đẳng hỗ trợ. Thí sinh sẽ thi trắc nghiệm các môn, trừ Ngữ văn.
Trước lo ngại về hình thức thi trắc nghiệm được áp dụng đại trà, Bộ Giáo dục khẳng định, việc chuyển từ tự luận sang trắc nghiệm không ảnh hưởng đến cách dạy, cách học cũng như sự chuẩn bị từ trước của thí sinh. Thực tế từ năm 2007, Bộ đã tổ chức thi trắc nghiệm 4 môn (Vật lý, Hóa học, Sinh học và Ngoại ngữ). 10 năm qua, phương thức thi này đã thể hiện được tính ưu việt.
Theo Bộ Giáo dục, việc mỗi thí sinh có một mã đề riêng, bài làm được chấm bằng phần mềm máy tính, là hàng rào kỹ thuật đảm bảo cho kết quả kỳ thi tin cậy hơn, loại trừ hầu hết tiêu cực có thể xảy ra trong quá trình coi và chấm thi. Đây cũng là giải pháp khắc phục tình trạng học lệch, học tủ, phát huy năng lực của học sinh.
Ý kiến bạn đọc