Rss Feed
Lớp học nhóm tại nhà

Cánh cửa đại học - đâu là lựa chọn sáng suốt?

Đăng lúc: . Đã xem 2780 - Người đăng bài viết: Đỗ Thị Thu Huyền
Chuyên mục : Tin tức
Kỳ xét tuyển đại học đợt 1 vừa kết thúc, thực trạng diễn ra ở nhiều trường là không còn thí sinh để tuyển. Vấn đề đáng nói là nếu như các trường hiện chỉ quan tâm đến nguồn tuyển sao cho đủ chỉ tiêu thì với những học sinh đang “đánh cược” số phận bằng cách đăng ký nguyện vọng lại vô cùng bối rối…

Ảo nhiều - không còn thí sinh để tuyển

31/8 là ngày cuối cùng thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển bổ sung đợt 1. Tuy vậy, rất ít trường nhận được số lượng hồ sơ bằng chỉ tiêu cần tuyển. Đa số các trường được hỏi đều thừa nhận số lượng hồ sơ đổ về trường không nhiều và cũng còn lâu mới “cán đích”! Không những thế, nhiều trường cũng lo ngại với những thí sinh đã nộp giấy báo kết quả thi không biết có đến đủ 100% lúc làm thủ tục nhập học không hay lại “đánh tháo”.

Thực tế, nguồn tuyển năm nay giảm rất nhiều so với năm 2015. Từ con số 531.182 thí sinh có tổng điểm bằng hoặc cao hơn điểm sàn của Bộ GD&ĐT thì năm nay chỉ còn 404.000 thí sinh đạt mức điểm như trên. Trong khi chỉ tiêu của các trường ĐH lại tăng lên. Do đó, các trường đều gặp khó khăn trong tuyển sinh.

Điều đáng nói là, trong khi các trường hiện gần như chỉ quan tâm đến nguồn tuyển đảm bảo chỉ tiêu thì lãnh đạo Bộ Giáo dục và đào tạo lại cho rằng việc lấp đầy chỉ tiêu không phải thước đo quyết định sự thành công của mỗi mùa tuyển sinh nói chung. Cụ thể, chỉ tiêu các trường công bố hiện nay mới chỉ dựa vào năng lực tối đa đào tạo của trường, chưa thực sự gắn với nhu cầu của thị trường lao động. Chương trình đào tạo tại các trường tuy có nhiều đổi mới nhưng vẫn còn chậm…

Chính những điều này thực sự khiến cho những học sinh vừa tốt nghiệp THPT vốn đang ở “lứa tuổi vàng” về khả năng tiếp thu kiến thức song lại rất non trẻ về kinh nghiệm sống đã trở nên bối rối trong việc lựa chọn nơi học và ngành học. Và bây giờ, kể cả khi việc đỗ vào đại học thực ra không còn là vấn đề quá lớn nếu mọi người biết chủ động lựa chọn và có định hướng rõ ràng, thì sự bung ra quá nhiều các hệ, các chương trình đào tạo trong hệ thống giáo dục đại học còn thiếu vắng hệ thống đánh giá chất lượng rõ ràng làm cho phụ huynh càng tiếp tục lo lắng.

 
Có nhiều cơ hội học tập để bạn lựa chọn, quan trọng là bạn thực sự muốn gì? Và mình đã và đang làm gì để biến mong muốn đó thành hiện thực?

Nơi học nào là tốt?

Theo lời khuyên của các chuyên gia, giảng viên đến từ Viện Đào tạo Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nếu bạn cảm thấy thực sự hài lòng với ngôi trường vừa trúng tuyển, hãy chuẩn bị cho một chặng đường mới mà bạn đang ở điểm khởi đầu. Chặng đường mới sẽ đòi hỏi bạn phải học tập với tâm thế tích cực và có chủ đích rõ ràng. Bởi có nhiều bạn, sau 4 năm giật mình nhìn lại mới thấy mình đã bỏ phí quá nhiều thời gian quý giá.

Bạn có thể đổ tại chương trình đào tạo chưa cập nhật, môi trường học tập đơn điệu, điều kiện học tập thiếu thốn... Nhưng dù vì cái gì đi nữa thì việc bạn là ai và bạn có gì mới là điều quan trọng. Do đó, thay vì tìm lí do bào chữa cho mình, hãy xác định một thái độ học tập tích cực để đạt hiệu quả tốt nhất.

Còn với những bạn “lỡ chân” bị trượt nguyện vọng 1 của mình, bạn sẽ phải biết thừa nhận thất bại của mình. Song, đó chưa phải là dấu chấm hết. “Thất bại chỉ là sự lui lại của thành công” (Henry Ford). Và một sự thất bại sớm có thể làm cho bạn nhìn lại mình một cách nghiêm khắc hơn, tạo động lực cho bạn vượt lên tốt hơn.

Hơn nữa, vẫn còn rất nhiều cơ hội. Điều quan trọng là hãy mở rộng suy nghĩ và tầm nhìn của mình hơn. Hãy tự hỏi xem mình thực sự muốn gì? Mình đã và đang làm gì để biến mong muốn đó thành hiện thực?

Thi cao đẳng, học nghề, thậm chí đi làm ngay... đã và đang là giải pháp của nhiều bạn. Còn nếu bạn vẫn mong muốn được học tập một cách bài bản, và gia đình có điều kiện đầu tư, hãy chú ý đến các chương trình du học tại chỗ. Một sân chơi mới đang mở ra với ngày càng nhiều các chương trình này.

Điểm chung là các chương trình đều có đầu vào khá mở so với hệ truyền thống. Hãy thận trọng, bởi đầu ra của một chương trình thực sự chất lượng sẽ không hề rộng mở một cách tự nhiên, chỉ có sự nghiêm túc và nỗ lực mới giúp bạn “ra” và đến đích được.

Và đó cũng cần là một chương trình được tổ chức một cách khoa học, từ khâu tuyển sinh đến khâu tổ chức giảng dạy và hỗ trợ quá trình học tập của sinh viên, đảm bảo cho một “đầu ra” chất lượng, đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động toàn cầu.

Chúc bạn lựa chọn được một chương trình học tập phù hợp với khả năng tài chính, cũng như năng lực của bạn, chứ không chỉ để có một tấm bằng ra xin việc.

Nguồn tin: Trang Dân trí
Từ khóa:

đại học

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Được đánh giá 5/5

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới