Rss Feed
Lớp học nhóm tại nhà

Những kiến thức trong bài thi tốt nghiệp môn Hóa

Đăng lúc: . Đã xem 4242 - Người đăng bài viết: Đỗ Thị Thu Huyền
Chuyên mục : Giáo dục
Những kiến thức trong bài thi tốt nghiệp môn Hóa

Những kiến thức trong bài thi tốt nghiệp môn Hóa

Để làm tốt bài thi tốt nghiệp môn Hóa, từ chương 1 đến chương 8 của nội dung kiến thức Hóa học các em cần lưu ý những kiến thức sau trong mỗi chương để bài thi đạt điểm tối đa
Đề thi tốt nghiệp môn Hóa học có 40 câu trắc nghiệm bao gồm 32 câu chung cho tất cả các thí sinh và 8 câu tự chọn (theo chương chình chuẩn (8câu), theo chương trình nâng cao (8 câu), học sinh chỉ được phép làm 1 phần tự chọn).

Đối với các bạn thi đại học khối A, B thì việc lựa chọn môn Hóa thi tốt nghiệp sẽ không quá khó để lấy điểm cao. Tuy nhiên có nhiều câu các bạn chưa cẩn thận nên không được điểm tuyệt đối. Còn đối với các bạn không thi đại học khối A, B thì không dễ dàng làm hết các câu hỏi trong đề thi.

Cấu trúc đề thi tốt nghiệp môn Hóa thường có từ 8 – đến 10 câu bài tập, khoảng 30 – 32 câu lí thuyết chủ yếu trong chương trình sách giáo khoa 12 nên để làm tốt bài thi tốt nghiệp các bạn cần trang bị cho mình kiến thức rất trọng tâm trong chương trình sách giáo khoa 12. Ngoài ra, một số nội dung mà các bạn cần lưu ý trong từng chương như sau:

Chương 1: Este – lipit:

- Cách viết đồng phân và tên gọi este (từ công thức suy ra tên và ngược lại)

- Phản ứng thủy phân este: trong môi trường axit, môi trường kiềm (chủ yếu của este no, đơn chức, mạch hở). Cho công thức viết sản phẩm của phản ứng thủy phân hoặc ngược lại cho sản phẩm của phản ứng thủy phân tìm công thức cấu tạo este. Chú ý bài toán tính khối lượng chất rắn thu được khi cô cạn dung dịch sau thủy phân trong trường hợp kiềm dư, este dư.

- Cách xác định công thức phân tử este dựa vào phản ứng cháy.

Chương 2: Cacbohiđrat.

- Công thức phân tử của các hợp chất thuộc loại cacbohiđrat.

- Tính chất hóa học (chủ yếu phản ứng với Cu(OH)2 ở nhiệt độ thường, phản ứng tráng gương, phản ứng thủy phân).

Chương 3: Amin, amino axit, peptit, protein:

- Khái niệm, đồng phân, danh pháp của amin, amino axit. Phân biệt bậc của amin với bậc của ancol.

- Tính bazơ của amin, phản ứng thế nhân thơm của anilin.

- Tính chất hóa học của dung dịch amino axit (chủ yếu tính lưỡng tính, dung dịch amino axit nào làm quì tím chuyển màu). Chú ý cách dùng quì tím để phân biệt amin, amino axit.

- Phản ứng thủy phân và phản ứng màu biure của peptit và protein.

Chương 4: Polime và vật liệu polime

- Phân loại polime, phản ứng điều chế polime (phản ứng trùng hợp, trùng ngưng).

- Một số polime dùng làm chất dẻo, tơ và cao su.

Chương 5: Đại cương về kim loại

- Tính chất vật lí của kim loại.

- Tính chất hóa học đặc trưng của kim loại (chú ý bài tập kim loại tác dụng với dung dịch axit, dung dịch muối).

- Dãy điện hóa của kim loại. So sánh tính oxi hóa, tính khử của các cặp oxi hóa – khử.

- Các dạng ăn mòn kim loại và cách chống ăn mòn kim loại.

- Điều chế kim loại (nguyên tắc, các phương pháp. Chú ý trong công thức Faraday thì A là nguyên tử khối của chất thoát ra còn n là số electron mà 1 nguyên tử nhường hoặc nhận trên 1 điện cực).

Chương 6: Kim loại kiềm, kiềm thổ, nhôm.

Kim loại kiềm:

- Nắm được qui luật biến đổi nhiệt độ sôi, nhiệt độ nóng chảy, độ cứng của kim loại kiềm.

- Tính khử rất mạnh (hay gặp là phản ứng với nước, dung dịch axit).

Kim loại kiềm thổ:

- Nắm được qui luật biến đổi nhiệt độ sôi, nhiệt độ nóng chảy, độ cứng của kim loại kiềm thổ.

- Tính khử mạnh.

- Một số hợp chất quan trọng của canxi và tên gọi tương ứng của chúng.

- Phương pháp điều chế kim loại kiềm, kiềm thổ là điện phân nóng chảy muối clorua của chúng.

- Khái niệm, phân loại và cách làm mềm nước cứng.

Nhôm:

- Chú ý phản ứng của nhôm với dung dịch kiềm và tính lưỡng tính của Al2O3 và Al(OH)3. Từ đó biết cách nhận biết ion Al3+ trong dung dịch.

Chương 7: Sắt và hợp chất quan trọng của sắt:

- Các bạn cần lưu ý khi nào thì tạo ra muối sắt (II) khi nào thu được muối sắt (III).

- Nhớ các giai đoạn trong quá trình sản xuất gang, thép.

- Tính lưỡng tính của Cr2O3 (chỉ tan trong kiềm đặc), Cr(OH)3. Tính oxi hóa mạnh và màu sắc của các hợp chất của crôm (VI). Cân bằng chuyển hóa của Cr2O72- và CrO42-.

Chương 8: Nhận biết một số hợp chất vô cơ:

- Nhận biết một số ion điển hình trong dung dịch như Ba2+, Al3+, Fe2+, Fe3+, Cu2+, Cl-, SO42-.

- Nhận biết một số khí điển hình như CO2, SO2, H2S, NH3.

Vì số lượng câu hỏi lí thuyết khá nhiều nên các bạn cần cố gắng ôn luyện cho tốt.Ngoài việc ôn luyện những nội dung trên, các bạn nên sưu tầm đề thi của những năm trước làm để kiểm tra kiến thức chuẩn bị của mình và biết mức độ, dạng câu hỏi thi. Chúc các bạn có một kì thi thành công. 
Tác giả bài viết:
Nguồn tin: Trang Dân trí
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Được đánh giá 5/5

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới