Tại sao khi lên máy bay không được mở điện thoại?

(Thầy Phạm Ngọc Dũng) - Các bạn đều biết quy định của ngành hàng không là lên máy bay phải tắt điện thoại di động và các thiết bị điện tử. Tại sao lại có quy định này?
Tại sao khi lên máy bay không được mở điện thoại?
Vào năm 2003, Ông Apt và các cộng sự của mình từng nghiên cứu kỹ lưỡng về tần số của sóng radio (radio freqency - RF), kết quả họ nhận thấy mức tín hiệu phát ra từ các thiết bị di động là rất lớn, nhưng họ kết luận mức tín hiệu này chưa đủ để gây ảnh hưởng (xấu) đến các thiết bị liên lạc của máy bay.

Có thể không có mối quan hệ trực tiếp nào giữa chúng. Nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng tần suất trục trặc của máy bay ngày nay đã khá cao. "Vẫn chưa có ghi nhận việc một chiếc máy bay rơi do điện thoại di động", ông nói, "Tỷ lệ máy bay rơi do điện thoại di động (gây nhiễu thiết bị liên lạc) là rất thấp, nhưng có rất nhiều chuyến bay mỗi ngày, và nếu chỉ cần một chiếc máy bay chở 150 sinh mạng bị rơi mỗi 10 năm, tỷ lệ này sẽ là rất cao!". Thật vậy, chưa có chứ không ai dám đảm bảo là không có.

Vậy tại sao họ (ngành Hàng không) lại đặt ra những quy định như vậy?

Yêu cầu tắt ĐTDĐ khi bay nhằm giữ an toàn tuyệt đối cho chuyến bay. "Mối hiểm hoạ này" - là kết quả của nguyên tắc hoạt động cơ bản của điện thoại di động - mỗi chiếc hoạt động giống như một cái radio cực mạnh. Apt nói rằng một khi bạn bật nguồn điện thoại lên, nó sẽ phát ra một mức độ sóng cực mạnh để dò tìm trạm thu phát sóng (BTS) gần đó. Có thể hiểu đơn giản, ĐTDĐ sẽ “hét” lên: "Có nghe tôi rõ không?" Và nếu kết nối được, trạm phát sóng sẽ trả lời "Ok, nghe rõ!", như vậy chúng đã kết nối với nhau.

Một khi kết nối được thiết lập, điện thoại sẽ giảm bớt độ mạnh của sóng. Nhưng khi kết nối yếu đi, điện thoại sẽ phát sóng mạnh hơn để bắt được tín hiệu tốt hơn. Quá trình này được lặp đi lặp lại liên tục, và mặc dù chúng ta chỉ để không điện thoại, không gọi hay nhắn tin gì cả, việc này vẫn liên tục diễn ra giữa nó và trạm thu phát sóng. 

Điều này không có gì đáng quan tâm nếu ta đang ở trên mặt đất, nhưng nếu tại độ cao 10.000 mét so với mực nước biển hoặc cao hơn thì sao? Sẽ không có trạm thu phát sóng nào cả. Đáng tiếc là chiếc điện thoại của chúng ta không biết điều này và vẫn liên tục phát tín hiệu dò tìm trạm thu phát sóng. Hiểm hoạ chính là ở việc sóng dò tìm khá mạnh mẽ này từ điện thoại của các hành khách. Nếu nhiều chiếc cùng ở tình trạng đó thì sao? Nó hoàn toàn có thể gây nhiễu tín hiệu GPS từ vệ tinh, có thể gây nhiễu tín hiệu liên lạc giữa máy bay với trung tâm quản lý bay mặt đất, và nhiễu các thiết bị định vị (navigation) trên máy bay. Hậu quả sau đó thì không ai lường trước được.

Vậy còn các dịch vụ không dây có trên máy bay thì sao?

Chắc hẳn các bạn đã đọc đâu đó hãng Hàng không ABC này cung cấp iPad, hãng Hàng không XYZ kia cung cấp sóng wifi trong suốt chuyến bay, trong khi hiểm hoạ từ sóng radio như đề cập ở trên là rất đáng sợ?

Đó là bởi vì các sóng radio được cung cấp này phát ra từ một bộ phát sóng có cự ly rất gần. Và do khoảng cách gần này (chỉ vài met đến vài chục met) nên các thiết bị không dây không cần phải phát đi tín hiệu radio dò tìm với cường độ mạnh. Thậm chí ở một số nơi, các phi công được phép sử dụng iPad thay cho các tài liệu giấy truyền thống, tất nhiên khi đã tắt hết các tín hiệu không dây (3G, wifi, bluetooth).

Lưu ý, các tiếp viên sẽ luôn nhắc nhở rằng bạn chỉ được sử dụng các dịch vụ không dây này khi máy bay đã đi vào trạng thái bay ổn định ở tầm bay của mình. Khi cất cánh và hạ cánh, bạn sẽ không được sử dụng các dịch vụ này nữa, vì đây là các thời điểm rất quan trọng ảnh hưởng đến an toàn bay. Hầu hết các tai nạn đều xảy ra vào thời điểm này. Đó là lý do tại sao các cô tiếp viên hàng không luôn liên tục nhắc nhở bạn tắt các thiết bị điện tử mỗi khi sắp cất cánh và hạ cánh. “Không chỉ ĐTDĐ, máy nghe nhạc và máy chơi game cầm tay đều phát ra sóng radio gây nhiễu”, Jay Apt nói.

Vì vậy các bạn hãy chủ động tắt điện thoại và các thiết bị điện tử khi đi máy bay, vì an toàn của chính bản thân chúng ta và những người xung quanh.

Nguồn tin: Popularmechanics​